Chủ tịch Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai Hoa Kỳ (CFTC) Rostin Behnam xem một số tài sản crypto là hàng hóa chứ không phải chứng khoán, trái ngược hoàn toàn với Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) Gary Gensler, người đã liên tục lập luận rằng mọi loại tiền mã hóa khác ngoài Bitcoin đều thuộc phạm vi quản lý của Luật Chứng khoán nước này.

CFTC công nhận Bitcoin, Ethereum và Tether là hàng hóa 

Với bài phát biểu trước Ủy ban Nông nghiệp Thượng viện trong phiên điều trần vào ngày 08/3, Rostin Behnam đã lập luận rằng Ethereum đã được niêm yết trên các sàn giao dịch CFTC trong một thời gian khá dài và điều đó tạo ra “mối quan hệ pháp lý trực tiếp” để cơ quan này giám sát cả thị trường phái sinh của ETH và thị trường cơ bản.

Chủ tịch CFTC Hoa Kỳ - Rostin Behnam
Chủ tịch CFTC Hoa Kỳ – Rostin Behnam

Ông cho biết: “Chúng tôi sẽ không cho phép sản phẩm hợp đồng tương lai Etherum (ETH) được niêm yết trên sàn giao dịch CFTC nếu chúng tôi không cảm thấy chắc chắn rằng đó là một tài sản hàng hóa,” 

Ngoài ra, cơ quan này đang rất chắc chắn trong quan điểm của mình khi đã sẵn sàng cho các rủi ro pháp lý, ông Behnam cho biết: “Chúng tôi có rủi ro kiện tụng, chúng tôi có rủi ro về uy tín của cơ quan nếu chúng tôi làm điều gì đó tương tự mà không có biện pháp bảo vệ pháp lý nghiêm túc để hỗ trợ cho lập luận của chúng tôi rằng đây là một loại hàng hóa.” 

Trước đây, nếu ông Behnam do dự trong việc phân loại Ethereum khi chỉ công nhận Bitcoin là loại tiền mã hóa duy nhất được công nhận hàng hóa thì giờ đây, quan điểm của ông đã được thay đổi. Ngoài Ethereum, một số stablecoin cũng được CFTC phân loại là hàng hóa, cụ thể có Tether (USDT). 

Đứng trước câu hỏi của Thượng nghị sĩ Kirsten Gillibrand về các quan điểm khác nhau của cơ quan quản lý như SEC sau thỏa thuận năm 2021 của CFTC với nhà phát hành stablecoin Tether, ông Behnam đã trả lời: “Bất chấp khung pháp lý xung quanh stablecoin, theo quan điểm của tôi, chúng sẽ trở thành hàng hóa.” Ông ấy còn nói thêm: “Nhóm thực thi của chúng tôi và ủy ban thống nhất rằng Tether, một stablecoin, là một loại hàng hóa.”

Xung đột quan điểm giữa CFTC và SEC đã tạo nên một cuộc tranh luận sôi nổi trên cộng đồng. Với số đông, hầu hết là những người yêu thích thị trường tiền mã hóa và sự đổi mới ủng hộ quan điểm của CFTC khi cơ quan này đã đẩy nhanh quá trình mass adoption của thị trường này. Trước làn sóng đó, Chủ tịch SEC – Gary Gensler cũng đã nhiều lần lên tiếng trước Quốc hội và giới báo chí trong việc giữ vững lập trường của mình.

SEC sẽ tiếp tục cứng rắn với crypto 

Từ trước đến nay, Gary Gensler, Chủ tịch của SEC luôn đóng vai chính phản diện trong bộ phim mang tên “Tiến trình phát triển của thị trường crypto”. Và gần đây, tần suất xuất hiện của ông ngày càng nhiều, với quan điểm xem crypto là chứng khoán và triển khai chính sách thắt chặt hoạt động staking.

Chủ tịch SEC Hoa Kỳ - Gary Gensler
Chủ tịch SEC Hoa Kỳ – Gary Gensler

Lập luận của SEC chủ yếu đến từ bài test Howey dựa trên Luật Chứng khoán năm 1933 và phán quyết của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ trong vụ kiện công ty Howey vào năm 1946, với 4 tiêu chí để đánh giá một loại tài sản là chứng khoán: 

  • Một khoản đầu tư bằng tiền;
  • Khoản tiền này được đầu tư vào một doanh nghiệp chung (common enterprise);
  • Nhà đầu tư có kỳ vọng về một khoản lợi nhuận;
  • Khoản lợi nhuận được tạo ra từ công sức của những người khác. 

Gần đây nhất, vào ngày 15/3, ông Gary Gensler đã đề xuất với các phóng viên rằng token sử dụng giao thức staking có thể được coi là chứng khoán theo luật Hoa Kỳ: “Công chúng đầu tư đang đầu tư dự đoán lợi nhuận, dự đoán điều gì đó trên các token này, cho dù chúng có phải là token bằng chứng cổ phần (POS) hay không, nơi họ cũng đang tìm kiếm tiền lãi từ các token bằng chứng cổ phần đó và nhận được 2%, 4 %, 18% lợi nhuận.”

Ông Gensler nói thêm: “Bất kể họ đang quảng bá và đưa vào một giao thức nào, và khóa token của họ trong một giao thức, một giao thức mà thường là một nhóm nhỏ các doanh nhân và nhà phát triển đang phát triển, tôi chỉ đề xuất rằng mỗi nhà khai thác token này … tìm cách đi vào tuân thủ, và tương tự với các trung gian.” 

Một số sự việc đáng tiếc vừa qua như sàn giao dịch Kraken bị xử phạt do khai thác dịch vụ staking cho thấy cơ quan này đang rất cứng rắn trong quan điểm. 

Lời kết 

Căng thẳng giữa hai cơ quan quyền lực là CFTC và SEC về quan điểm xem crypto là hàng hóa hay chứng khoán đã đẩy lên cuộc tranh luận sôi nổi. Theo quan điểm của mình, đây là một điều cần thiết cho sự phát triển của crypto để được công nhận chính thức và tiến tới mass adoption, khi thị trường này có một khung pháp lý vững chắc. 

Chung quy thì cả CFTC và SEC đều muốn giành thị trường tiềm năng crypto về tay của mình để quản lý. Và cho dù bên nào chiến thắng cuối cùng, thì đây cũng là một phần của quá trình phát triển.