Tổng quan 

Vào ngày đầu tiên của tháng 02/2023, BNB Chain đã thông báo ra mắt giải pháp blockchain dành cho việc lưu trữ dữ liệu có tên là BNB Greenfield – một trong những mảnh ghép quan trọng của hệ sinh thái BNB Chain trong tương lai. 

BNB Greenfield là gì?

Theo như công bố, BNB Greenfield là một blockchain tập trung vào việc xây dựng hệ thống dữ liệu phi tập trung cùng nền kinh tế phát triển xung quanh, được xây dựng bởi chính đội ngũ BNB Chain.

Dự án có sự giúp sức từ Amazon Web Services (AWS), NodeReal và Blockdaemon. Giải pháp này được phát triển với tầm nhìn mang lại trải nghiệm sử dụng thân thiện với người dùng, họ sẽ không cảm thấy có sự khác biệt nào so với các nền tảng lưu trữ đám mây truyền thống. Kết hợp với công nghệ blockchain, BNB Greenfield sẽ trao người dùng toàn quyền sở hữu và quyết định về dữ liệu của mình một cách minh bạch và phi tập trung.

Kiến trúc của BNB Greenfield

Hệ sinh thái của BNB Greenfield sẽ là sự kết hợp giữa bộ ba BNB Greenfield Core, BNB Greenfield dApps và BNB Smart Chain.

Kiến trúc BNB Greenfield. Nguồn: BNB Chain
Kiến trúc BNB Greenfield. Nguồn: BNB Chain

BNB Greenfield Core

BNB Greenfield Core được xem như cơ sở hạ tầng trung tâm trong một hệ sinh thái mới dành cho dữ liệu. Nó bao gồm 2 thành phần là Greenfield Blockchain và Storage Provider Network.

BNB Greenfield Blockchain đóng vai trò là một sổ cái cho người dùng và metadata lưu trữ dữ liệu trên nhiều trạng thái. Nền tảng này sử dụng cơ chế đồng thuận PoS, ngoài ra BNB vẫn sẽ là native token trên BNB Greenfield phục vụ cho việc trả phí gas và tham gia các hoạt động quản trị. 

Storage Providers – SP (Các nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ) được xem như cơ sở hạ tầng của dịch vụ lưu trữ mà các tổ chức hoặc cá nhân cung cấp với vai trò tương ứng của họ. Mỗi SP có thể đáp ứng các yêu cầu đăng tải (ghi) và tải xuống (đọc) dữ liệu của người dùng, đồng thời họ cũng xác minh cho các quyền xác thực từ người dùng.

Theo dự tính trong khoảng thời gian đầu, các validators của BNB Greenfield sẽ được cộng đồng của BNB Chain hoặc SPs điều hành. Trong khi đó một số SPs có nhu cầu cũng có thể khởi chạy cơ sở hạ tầng cho dịch vụ lưu trữ, quá trình này yêu cầu các SPs phải tự đăng ký và deposit vào “Service Stake”  trên mạng lưới Greenfield trước khi được bầu chọn bởi những validators có sẵn.

BNB Greenfield dApps

BNB Greenfield dApps là một loạt các ứng dụng phi tập trung cung cấp các chức năng về giải pháp lưu trữ bằng cách sử dụng hệ thống Greenfield làm cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, chúng có thể là các công cụ máy khách (client toolings) tạo điều kiện cho người dùng tương tác với hệ thống lưu trữ phi tập trung (Greenfield Core). Các ứng dụng này sẽ sử dụng địa chỉ ví trên blockchain nhằm định danh người dùng và tương tác với các tính năng cũng như smart contract trên Greenfield blockchain, Greenfield SPs và BNB Smart Chain.

BNB Smart Chain

BNB Smart Chain (BSC) luôn được biết đến là blockchain lớn thứ hai trên thị trường về TVL chỉ sau Ethereum, điều này cho thấy sự dồi dào về thanh khoản cũng như các hoạt động DeFi trên đây. Vì thế một cầu nối cross-chain dành riêng cho BSC và BNB Greenfield sẽ được triển khai trong thời gian tới. Mặc dù dữ liệu có thể được sử dụng và thao tác với mức phí rất rẻ trên Greenfield Core, nhưng các hoạt động dữ liệu liên quan có thể được chuyển sang BSC và tích hợp với các hệ thống smart contract ở đó, đặc biệt là DeFi nhằm tạo ra một thị trường với nhiều mô hình kinh doanh mới.

Cách thức hoạt động

Dưới đây là sơ đồ cho thấy hệ thống bao gồm Greenfield Chain, BSC, Greenfield dApps và SPs tương tác với nhau.

Tương tác giữa các chủ thể Greenfield. Nguồn: BNB Chain
Tương tác giữa các chủ thể Greenfield. Nguồn: BNB Chain

Greenfield Validators

Là một blockchain PoS, BNB Greenfield cũng sẽ có hệ thống validators cho riêng mình, đây là đơn vị sẽ chịu trách nhiệm về tính bảo mật của mạng lưới. Họ tham gia vào việc quản trị (governance) và staking của blockchain, tạo thành một mạng lưới P2P tương tự như các mạng blockchain PoS khác.

Validator là đơn vị chấp nhận và xử lý các giao dịch để cho phép người dùng tiến hành lưu trữ các objects của họ trên Greenfield. Họ sẽ duy trì metadata của Greenfield dưới dạng các trạng thái của blockchain nhằm quản lý và điều khiển cho cả SPs và người dùng. Hai nhóm này sẽ sử dụng và cập nhật các trạng thái để vận hành lưu trữ objects.

Validator trên Greenfield cũng có nhiệm vụ vận hành hệ thống relayer cho mục đích tương tác cross-chain với BSC. Thêm vào đó, Sentry Nodes được sử dụng để bảo vệ các cuộc tấn công DDoS và cung cấp một mạng riêng an toàn hơn, được thể hiện trong sơ đồ bên dưới.

Greenfield Network. Nguồn: BNB Chain
Greenfield Network. Nguồn: BNB Chain

Storage Providers (SPs)

SPs là những cá nhân hoặc các tổ chức đứng ra điều hành một loạt dịch vụ để cung cấp dịch vụ dữ liệu dựa trên blockchain Greenfield. Mỗi SP phải có sự kết nối với Greenfield bằng cách duy trì full node cục bộ của riêng mình để có thể theo dõi trực tiếp sự thay đổi trạng thái, các index data và gửi yêu cầu giao dịch một cách kịp thời.

Các SPs cung cấp các API có thể truy cập công khai để quản lý dữ liệu và liên lạc với nhau thông qua API REST. Hệ thống tạo thành một mạng lưới P2P nhằm cung cấp bộ công cụ lưu trữ với đầy đủ tính năng cho các ứng dụng hoặc người dùng người dùng có thể tạo, lưu trữ, đọc và giao dịch dữ liệu trong khi sử dụng blockchain Greenfield. Điều này được thể hiện rõ ở biểu đồ sau.

SP Network. Nguồn: BNB Chain
SP Network. Nguồn: BNB Chain

Payment

Tổng cung lưu thông của BNB sẽ không thay đổi cho nên lượng BNB ban đầu trên Greenfield sẽ được bridge từ BSC sang. Điều này sẽ giúp mở rộng thêm nền kinh tế xung quanh BNB vì nó được luân chuyển giữa BNB Beacon Chain, BSC và Greenfield.

BNB trên Greenfield sẽ được sử dụng cho các mục đích sau:

  • Self-delegate hoặc delegate BNB.
  • Thanh toán phí gas cho mạng lưới (Giao dịch cục bộ hoặc cross-chain).
  • Thanh toán phí lưu trữ object và tải xuống gói dữ liệu.

Các khoản phí trên Greenfield sẽ được tính theo phương thức thanh toán “Stream”, nghĩa là người dùng trả một mức cố định cho dung lượng lưu trữ và băng thông mà họ sử dụng. Có hai loại phí cần quan tâm: 

  • Phí lưu trữ: Phí lưu trữ sẽ được tính dựa trên kích thước của dữ liệu, số lượng bản sao, tỷ lệ giá cơ sở (base price) và các yếu tố khác.
  • Phí gói dữ liệu (data package): Phí gói dữ liệu là một mức giá cố định trong một khoảng thời gian được xác định trước và cho phép giới hạn tải xuống dữ liệu xuống một cách miễn phí, dựa trên thời gian.
Greenfield Payment. Nguồn: BNB Chain
Greenfield Payment. Nguồn: BNB Chain

Tính ứng dụng của Greenfield

Website hosting

BNB Greenfield cung cấp API và sử dụng các mô hình tương tự với Amazon S3 nên người dùng có thể dễ dàng triển khai trang web của họ thông qua BNB Greenfield và quản lý dễ dàng hơn các khoản thanh toán của họ bằng BNB.

Lưu trữ đám mây cá nhân

Người dùng có thể tạo kho lưu trữ của riêng mình bằng BNB Greenfield để đăng tải và tải xuống các tệp, hình ảnh hay video được mã hóa thông qua máy tính hoặc thiết bị di động bằng private key của họ.

Lưu trữ dữ liệu Blockchain

Các Layer 1 hiện tại chứa một khối lượng dữ liệu rất lớn từ quá khứ, lên đến hàng chục terabytes, phần lớn trong số đó không còn được sử dụng đến. BNB Greenfield có thể được sử dụng như một phương pháp để lưu trữ dữ liệu này, giảm độ trễ cho các Layer 1 và cải thiện tính khả dụng của dữ liệu, cũng như cung cấp liền mạch các dữ liệu không hoạt động cho L1 nếu cần. BNB Greenfield cũng có thể được sử dụng như một tùy chọn rẻ hơn để lưu trữ dữ liệu giao dịch từ các L2 Rollup.

Publishing

Các nhà sáng tạo, các tác giả,… cũng có thể lưu trữ sản phẩm của họ trên BNB Greenfield và phản chiếu dữ liệu này lên BNB Smart Chain, nơi họ có thể giao dịch chúng bằng cách cấp quyền truy cập cho địa chỉ người mua sau khi nhận được thanh toán. 

Tuy nhiên, đội ngũ phát triển cũng cho biết BNB Greenfield hiện tại không được thiết kế để phòng chống vấn đề vi phạm bản quyền. Các tác giả, nhà xuất bản và các dApps nên biết về những hạn chế này và tự chịu rủi ro khi chọn sử dụng BNB Greenfield. Các tính năng liên quan đến bản quyền cũng như bảo vệ quyền lợi cho các nhà sáng tạo, các tác giả cũng sẽ được nghiên cứu, triển khai trong tương lai.

Mạng xã hội

BNB Greenfield cung cấp cơ sở hạ tầng tối ưu cho những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội như các influencers hoặc KOLs để họ có thể sở hữu đầy đủ nội dung và dữ liệu của riêng mình. 

Các Greenfield dApps vẫn có thể sử dụng những dữ liệu này, bao gồm nội dung của dữ liệu và biểu đồ xã hội (social graph) có liên quan và xuất bản content cho người dùng công khai thông qua mạng xã hội phi tập trung. BNB Greenfield cũng giúp người sáng tạo dễ dàng tạo các nhóm phụ nhỏ hơn một cách riêng tư (private sub-groups) cho những người theo dõi của mình.

Dữ liệu cá nhân

Vấn đề có thể xem là phức tạp nhất hiện nay chính là cách sở hữu dữ liệu của chính người dùng, chẳng hạn như dữ liệu hành vi của người dùng, lượt đăng ký, lượt click chuột, … và không cho phép các nền tảng lạm dụng dữ liệu đó (thường là các công ty độc quyền lớn, tập trung như Meta, Microsoft, Google,…). BNB Greenfield sẽ giải quyết vấn đề này bằng cách cho phép các ứng dụng lưu trữ dữ liệu cá nhân được mã hóa của người dùng trong tài khoản cá nhân của riêng họ và chỉ cho phép các ứng dụng khác sử dụng dữ liệu cá nhân nếu người dùng cấp quyền hoặc có tính phí.

Dự phóng

Theo một bài nghiên cứu từ Cloudwards được thực hiện vào tháng 6/2022, một vài con số nổi bật như sau:

  • Thị trường điện toán đám mây trên thế giới đạt $371.4B vào năm 2020, dự đoán đạt $832.1B vào năm 2025.
  • 94% các doanh nghiệp trên toàn cầu sử dụng dịch vụ lưu trữ đám mây.
  • 48% doanh nghiệp lưu trữ các dữ liệu quan trọng về hoạt động kinh doanh trên dịch vụ lưu trữ đám mây.
  • Các sự cố gây thiệt hại dữ liệu trên đám mây về vấn đề con người chiếm 88%.
  • Bảo mật các dịch vụ lưu trữ đám mây là mối quan tâm của 75% doanh nghiệp trên toàn cầu.
  • Dự đoán đến năm 2025, sẽ có 100 Zettabytes, tương đương 100 tỷ Terabytes được lưu trữ trên các dịch vụ này.

Theo một bài nghiên cứu khác của Synergy Research Group được thực hiện gần đây, vào Q3/2022, thị phần các giải pháp lưu trữ đám mây được phân bổ như sau:

  • Amazon Web Services: 33%;
  • Microsoft Azure: 21%;
  • Google Cloud: 11%;
  • Khác: 35%.

Từ các dữ liệu này, chúng ta có thể thấy thị trường lưu trữ ở Web2 chiếm market size rất lớn, cho thấy tiềm năng dài hạn nếu có sự chuyển dịch sang các giải pháp lưu trữ phi tập trung. Thị trường cryptocurrency ngày càng lớn, kéo theo sự phát triển chung của các lĩnh vực trọng tâm như DeFi, NFT, GameFi,… Vì thế tạo ra một áp lực lớn cho các nền tảng lưu trữ phi tập trung khi cần phải xử lý và lưu trữ một lượng dữ liệu ngày càng lớn. Điều này lại mở ra bull-case dành cho các dự án lưu trữ phi tập trung. 

Một trong những lợi thế lớn mà Greenfield có là khả năng tương thích với EVM, cho phép truy cập liền mạch giữa hệ thống lưu trữ của Greenfield với các dApp Ethereum. Cùng với đó, Greenfield được đội ngũ BNB Chain đặt làm trọng tâm phát triển trong BNB Chain Tech Roadmap 2023, cho thấy tầm quan trọng cũng như tiềm năng của lĩnh vực này. 

Tại thời điểm viết bài, Filecoin đang là dự án dẫn đầu trong lĩnh vực lưu trữ phi tập trung với giá trị vốn hóa hơn 2 tỷ USD, xếp sau là Arweave (Vốn hóa 440 triệu USD) và Siacoin (Vốn hóa 200 triệu USD). Đây vẫn là một con số khá khiêm tốn với một lĩnh vực cần thiết cho sự phát triển chung của toàn thị trường.

Kết luận

Dẫu có nhiều câu hỏi đặt ra về BNB Greenfield, tuy nhiên việc Binance nói chung và CZ nói riêng đã bắt đầu đặt ra những viên gạch đầu tiên trong lĩnh vực lưu trữ phi tập trung sẽ làm cho việc cạnh tranh của các dự án như Filecoin và Arweave trở nên sôi động hơn bao giờ hết.

Như vậy, GFI Blockchain đã giới thiệu những thông tin cần thiết về BNB Greenfield, một giải pháp cho hệ thống lưu trữ phi tập trung vừa được BNB Chain ra mắt. Mọi người nghĩ như thế nào về tiềm năng cũng như sự phát triển của lĩnh vực này?

*Disclaimer: Mọi thông tin trên bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, đây không phải là lời khuyên đầu tư.