Tổng quan
Liquid staking derivatives (LSDs) là những token phái sinh được sinh ra khi bạn stake ETH vào Beacon chain. Về cơ bản chúng chỉ là “bằng chứng” cho số ETH đã stake của bạn. Trước nâng cấp Thượng Hải, ưu điểm của các “bằng chứng” này là có thể được mua, bán, trao đổi với biến động giá tương đương với ETH trên thị trường. Trong khi đó, ETH staking không sử dụng LSDs, sẽ không thể giao dịch, khiến các staker nhiều lần phải ngậm ngùi vì “chốt lời không được, cắt lỗ không xong”.
Tuy nhiên, sau bản nâng cấp quan trọng Ethereum Shanghai, ETH trên Beacon chain đã có thể được rút ra và giao dịch lại như trước. Người dùng sử dụng dịch vụ staking thông thường cũng không còn phải quá lo lắng về việc sẽ bị chôn vốn vĩnh viễn. Lúc này nhiều người tự hỏi rằng liệu những nền tảng liquid staking derivatives có thể còn phát triển như xưa?
Để dập tan mối nghi ngờ đó, các ông lớn LSD đã đưa ra các bản nâng cấp toàn diện, điển hình như Lido V2, Rocket’s Atlas, Stakewise V3,… , nhằm đem lại sự thuận tiện cho người dùng, tăng khả năng mở rộng và sức hút của giao thức, cũng như thêm vào những tính năng mới cho liquid staking token (LSTs),… Theo số liệu thực tế, kết quả đạt được là vô cùng khả quan.
Vậy thực sự họ đã làm gì? Ý nghĩa của chúng đối với sự phát triển của LSDs? Đâu là xu hướng công nghệ tiếp theo mà LSD hướng đến? Hãy cùng GFI tìm hiểu trong bài viết này nhé!
Key takeaways:
- Lido V2 nâng cao khả năng mở rộng và tính phi tập trung với staking router
- Rocket Pool’s Atlas uprade tối ưu cho “cá mập” ETH và validator sớm
- Stakwise V3 đem lại tối đa quyền tự chủ cho validator với mô hình vaults – VLT
- Frax đem lại lợi nhuận liquid staking cao nhờ mô hình kết hợp staking thông thường với AMM trên Curve
- 3 dự án nổi bật với cơ chế liquid staking hiện đại sắp được mainnet
Liquid staking hậu Ethereum ShangHai upgrade giữ vững đà tăng
Đã hơn 1 tháng kể từ khi nâng cấp Thượng Hải hoàn tất, trái ngược với suy nghĩ của nhiều người rằng ETH sẽ bị rút ra mạnh mẽ và tạo 1 cú “dump” lên thị trường crypto, lượng ETH được stake đã nhanh chóng “quay xe” và tìm lại xu hướng tăng trưởng.
Tính đến ngày 10/5/2023 (26 ngày sau nâng cấp), ETH netflow (nạp vào trừ cho rút ra) đã hơn 150 nghìn ETH, trong đó lượng rút ra chủ yếu đến từ các sàn CEX (-4%), và lượng nạp vào đến từ staking pool (+1,6% thị phần) và liquid staking (+0,8% thị phần).
Góp phần vào xu thế này chính là lệnh ngăn cấm staking từ chính phủ Mỹ (ảnh hưởng đến Coinbase và Kraken), khiến lượng ETH từ một số sàn tập trung sợ hãi và ngay lập tức chuyển dịch sang các giao thức DeFi để trú ẩn khi có cơ hội. Mặc dù staking pool chiếm lượng tăng trưởng tốt nhất với các dự án như Kiln, Stakefish, Staked.US… liquid staking vẫn cho thấy một bức tranh khả quan khi các thủ lĩnh của hệ không hề suy sút. Trong 30 ngày qua (17/4 – 17/5), TVL của Lido tăng 12,18%, Rocket Pool tăng 39,11% hay Frax tăng đến 40,58%.
Với bản cập nhật lớn mới được thông qua ngày 15/5, Lido V2 rất có khả năng sẽ là đầu tàu dẫn dắt hệ sinh thái LSD vào cơn sóng mới ở nửa cuối năm 2023. Bên cạnh đó còn có các công nghệ khác như Distributed Validator Technology (DVT), Re-staking… hứa hẹn đem lại cuộc chơi mới cho liquid staking trên Ethereum.
Ngoài ra, so với việc mất đến vài ngày hoặc vài tuần (trong trường hợp quá nhiều người muốn rút ETH một lúc) để rút ETH từ Beacon chain, liquid staking vẫn là một lựa chọn khả dĩ khi đem lại khả năng thanh khoản ngay lập tức cho dòng vốn của người dùng, đặc biệt là các nhà đầu cơ.
—–> Xem thêm: Liquid staking derivatives là gì? 3 dự án LSD hàng đầu
Cuộc cách mạng của các “ông lớn” liquid staking derivatives
Lido V2 – dập tan nỗi lo validator tập trung
Following a successful on-chain vote, Lido V2 is officially here.https://t.co/36EmuagToD
— Lido (@LidoFinance) May 15, 2023
Lido là nền tảng liquid staking có ưu thế nhất trên Ethereum tính đến thời điểm hiện tại, chiếm hơn 33% tổng lượng ETH được stake và 74% thị phần liquid staking. Tuy vậy, trước khi cập nhật V2, Lido chỉ có một bộ các validator duy nhất do chính giao thức này điều hành.
Bộ validator này bao gồm 30 nhà điều hành validator chuyên nghiệp, có khả năng kích hoạt các validator mới trên Ethereum mới mà không cần bất kỳ yêu cầu nào về vốn hay điều kiện đảm bảo (do sử dụng chính ETH mà cộng đồng stake vào). Ưu điểm của mô hình này là khả năng mở rộng, kết hợp với DeFi của stETH (stETH được sử dụng rộng rãi trên nhiều giao thức lớn khác như Curve, Uniswap…), đã dẫn đến thành công vượt trội của Lido.
Tuy nhiên, khi lượng ETH stake của Lido tiến tới 1/3 tổng số ETH stake, cộng đồng bắt đầu lo ngại về sự tập trung quyền lực từ bộ validator do Lido kiểm soát. Bởi lẽ, trên lý thuyết, Lido có thể tùy ý ngắt mở mạng lưới Ethereum với lượng ETH này. Trong lâu dài, nó có thể ảnh hưởng đến uy tín và làm giảm lượng stake mới chảy vào chính giao thức.
Để giải quyết vấn đề trên, Lido V2 đã có một bước tiến quan trọng hướng tới sự phi tập trung hóa với hai nâng cấp chính: rút tiền và staking router.
Rút tiền
Để có thể rút tiền thì người dùng sẽ cần thực hiện một quy trình request/ claim trên nền tảng của Lido (nếu không muốn chờ đợi quá lâu, người dùng vẫn có thể swap trực tiếp từ stETH sang ETH trên các nền tảng DeFi khác với một mức độ trượt giá nhỏ):
- Request: người dùng khóa stETH của mình lại như một yêu cầu rút tiền. Đặc biệt, lúc này họ còn được cung cấp một NFT có thể giao dịch như vị thế của mình trong hàng chờ rút tiền (ví dụ bán vị thế cho những người muốn được claim sớm hơn).
- Fulfilment: Giao thức cung cấp ETH để thực hiện yêu cầu rút tiền (unlock từ validator của họ hoặc là từ pool có sẵn của Lido), khóa ETH, đốt stETH bị khóa và chuyển đổi trạng thái NFT thành “có thể rút”.
- Claim: trong điều kiện tốt nhất (hàng chờ rút ETH không quá nhiều), người dùng có thể nhận lại ETH với tỉ lệ 1:1 sau từ 1-5 ngày làm việc
Nhằm đảm bảo tính công bằng và trật tự, cũng như đề phòng trường hợp xấu nhất có thể xảy ra, Lido sử dụng 2 thiết kế trong quy trình rút tiền là Turbo và Bunker. Để dễ hiểu thì Turbo chính là chế độ mặc định, các yêu cầu rút tiền được thực hiện nhanh chóng bằng cách sử dụng tất cả ETH có sẵn. Thời gian để thực hiện là không chắc chắn; tuy nhiên, trong trường hợp tốt nhất, các yêu cầu rút tiền có thể được xử lý trong vài giờ.
Trong khi đó, chế độ Bunker chỉ được sử dụng khi có một vấn đề đột ngột làm ảnh hưởng đến toàn bộ mạng lưới Ethereum. Nó cho phép các yêu cầu rút tiền được xử lý một cách có trật tự, mặc dù chậm hơn, trong khi Lido xử lý và tính toán lại ETH có thể thực rút (ví dụ lượng ETH bị slashing là quá lớn và quá nhiều validator offline). Lúc này, thời gian để rút ETH có thể lên tới hàng tuần, thậm chí hàng tháng.
—–> Xem thêm: Giải mã Ethereum Shanghai và 4 điểm cần lưu ý
Staking Router
Đây là tính năng quan trọng nhất trong Lido V2. Về cơ bản, Lido V2 cho phép giao thức chuyển từ một bộ validator duy nhất sang nhiều bộ validator khác nhau, được gọi là modules. Mỗi module bao gồm các validator có cùng đặc điểm, nhằm tối ưu hóa cho nhiều thành phần tham gia, từ các nhà đầu tư cộng đồng, đến các tổ chức chuyên nghiệp, DAO, DVT…. Modules có thể tùy chỉnh các thông số cần thiết (vd APR) nhằm thu hút thêm các validator vào pool.
Có 3 loại module chính là:
- Community module: validator có thể tùy ý tham gia với một khoản tiền đảm nhất định tùy theo điểm đánh giá uy tín (ví dụ dựa trên hiệu suất thành công).
- DVT module: các validator có tích hợp công nghệ DVT, ví dụ như cụm validator phi tập trung của Obol hoặc SSV.
- Offchain/Layer 2 module: giảm phí gas bằng cách đẩy việc lưu trữ validator key sang một giải pháp Off-chain hoặc Layer 2.
Để tăng tính mở rộng, có thể có nhiều module cùng loại hoặc module kết hợp (vd DVT + community). Cuối cùng, Staking router sẽ là cơ sở hạ tầng chính để điều phối cách các khoản tiền gửi mới (cũng như phần thưởng từ staking) cho các module khác nhau.
—–> Xem thêm: Distributed Validator Technology (DVT) là gì?
Rocket Pool’s Atlas upgrade – tối ưu khả năng mở rộng của giao thức
T11/2021, Rocket Pool giới thiệu minipool vào hệ sinh thái staking Ethereum. Minipool giảm yêu cầu vốn để vận hành một validator mới tới tới 45%. Bằng cách sử dụng minipool, 1 validator chỉ cần 17,6 ETH (16 ETH, cộng với 1,6 ETH giá trị tài sản thế chấp bằng RPL), so với yêu cầu thông thường là 32 ETH (16 ETH còn lại sẽ trở thành pool cho cộng đồng đóng góp nhằm chuyển đổi ETH –> rETH). Thiết kế này khuyến khích các nhà vận hành minipool hoạt động tốt nhất, cũng như đảm bảo pool stake cộng đồng được bảo hiểm bởi 110% giá trị của chúng.
Điều khác biệt của Rocket Pool là mở cửa cho tất cả validator, có nghĩa là bất kỳ ai đáp ứng yêu cầu đảm bảo tối thiểu đều có thể vận hành một minipool (không giống như Lido là bộ validator được điều hành sẵn). Tuy nhiên yêu cầu 17,6 ETH vẫn còn khá cao so với mặt bằng chung, đồng thời giảm khả năng mở rộng của giao thức. Điều này khiến pool cộng đồng nhiều lần đạt đến sức chứa tối đa và buộc người dùng phải đợi đến khi có minipool mới được kích hoạt, mua rETH trên thị trường phụ hoặc stake ETH vào pool của đối thủ cạnh tranh.
Vào ngày 18/4, Rocket Pool ra mắt bản nâng cấp Atlas được mong đợi từ lâu, tập trung vào thiết kế để xử lý các yêu cầu rút tiền và cải thiện khả năng mở rộng của giao thức.
Rút tiền
Về cơ bản thì việc rút tiền trên Rocket cũng giống như Lido thông qua một chu trình request/ claim (nhưng không có NFT). Tuy nhiên, vì các minipool được vận hành bởi validator tự do, Rocket không có khả năng buộc một nhà vận hành rút toàn bộ số dư ETH của họ. Trong trường hợp các yêu cầu đổi rETH thành ETH tiêu tốn hết thanh khoản có sẵn (chủ yếu từ ETH thưởng tích lũy), giao thức sẽ phải phụ thuộc vào cơ hội giao dịch trên thị trường để khuyến khích các nhà vận hành minipool thực hiện việc unstake.
Khả năng mở rộng
Để mở rộng hiệu quả hơn, bản nâng cấp Atlas bao gồm 3 yếu tố chính bao gồm:
- 8E Minipool
- Solo staker migration
- Optimized minipool queue
8E Minipool
Yêu cầu đảm bảo tối thiểu của các nhà vận hành minipool được giảm từ 16 ETH và 1,6 ETH thế chấp bằng RPL xuống còn 8 ETH và 2,4 ETH thế chấp bằng RPL. Đồng thời cho phép các nhà vận hành minipool hiện tại chia nhỏ các minipool 16 ETH của họ thành hai minipool 8 ETH, tăng gấp ba hiệu quả tạo ra rETH. Ngoài ra, minipool validator có thể nhận đến 15% trên tổng phần thưởng từ ETH stake thêm của cộng đồng. Điều này giúp các cá mập ETH mở được nhiều minipool hơn, thu được nhiều phí, và nâng cao hiệu suất staking của họ.
Solo staker migration
Bản cập nhật Atlas còn cho phép các Solo staker tích hợp vào nền tảng của họ mà không cần unstake lượng ETH hiện tại. Một validator với 32 ETH có thể chia thành 4 minipool, và nhận được nhiều lãi hơn từ khoản phí 15% của cộng đồng. Kể từ khi nâng cấp, lượng minipool của giao thức đã tăng đột biến gần 50%.
Optimized minipool queue
Thông thường khi validator mở một minipool, họ cần đợi người dùng stake thêm đủ 32 ETH trước khi kích hoạt. Tuy nhiên với Rocket Pool Atlas, validator mới cũng sẽ chính là người dùng của validator cũ.
8 ETH được stake sẽ chia thành 2 phần: 1 ETH chuyển vào minipool mới và chờ đợi lượng stake thêm, 7 ETH chuyển vào minipool cũ chưa đủ ETH. Bằng cách này lượng minipool được kích hoạt sẽ nhanh hơn, cũng như đem lại ưu thế cho validator sớm.
StakeWise V3 – Tối đa quyền tự chủ
Hiện tại, StakeWise là giao thức liquid staking phổ biến thứ năm trên Ethereum. Cơ chế của StakeWise tương tự như Lido, có bộ validator được cấp phép sẵn. Tuy nhiên, để đáp ứng sự quan ngại về nguy cơ tập trung trong hệ sinh thái, StakeWise Labs đã đề xuất một nâng cấp lớn vào T9/2022, hay còn gọi là StakeWise V3. Bản nâng cấp này sẽ chia mô hình của StakeWise thành 2 phần độc lập là Vaults và Mint
Vaults & VLT Tokens
Phần đầu tiên bao gồm một thị trường các “vaults” (có thể gọi là kho bạc, pool,…), nơi mà các validator có thể tự do tạo mới và toàn quyền kiểm soát việc stake ETH của mình. Chủ vault có thể tùy chỉnh một số điều kiện của vault như ai có thể stake vào vault, ai có thể tham gia làm validator, cấu trúc phí và phần thưởng… Trên giao diện của StakeWise, người dùng có thể tìm kiếm các vault khả dụng và stake vào vault nào phù hợp với nhu cầu.
Note: Để giúp người dùng đưa ra quyết định đúng đắn nhất, mỗi vault sẽ được StakeWise đánh giá thường xuyên và được gán điểm dựa trên một bộ các tiêu chí về tính minh bạch, lãi suất,…
Sau khi đã stake ETH vào 1 vault cụ thể, người dùng sẽ được cấp một lượng token VLT tương ứng với giá trị của số ETH mà họ stake. VLT là token ERC-20 có khả năng định giá lại, có nghĩa là giá trị của chúng sẽ được điều chỉnh dựa trên biến động giá ETH và lượng ETH phần thưởng tích lũy được. Ngoài ra, VLT là đại diện duy nhất cho vault mà nó phát hành, tức là chỉ các VLT được phát hành từ cùng một vault mới có thể thay thế cho nhau.
Mint overcollateralized Staked ETH (osETH)
Phần thứ 2 của StakeWise V3 là token phái sinh có thể giao dịch, osETH. Người dùng có thể sử dụng VLT để tạo ra osETH bằng cách gửi token VLT của mình vào một “hợp đồng thế chấp”. Đáng chú ý là giá trị của các token osETH được tạo ra luôn thấp hơn giá trị của các token VLT được gửi vào (chỉ số VLT/osETH kì vọng tối đa khoảng 90%). Sau đó, người dùng có thể sử dụng osETH rộng rãi trên các nền tảng DeFi. Ưu điểm của cơ chế này là hạn chế khả năng mất peg của osETH.
Hiện tại StakeWise V3 chưa được mainnet.
Frax – hướng đi mới cho LST
Frax Finance, nhà phát hành đồng stablecoin FRAX nổi tiếng, hiện là nền tảng liquid staking phổ biến thứ 4 trên Ethereum. Theo dữ liệu từ DefiLlama, trong 30 ngày qua, TVL ETH trên Frax đã tăng đến 40%. Sự tăng trưởng đáng kinh ngạc của giao thức là do phần thưởng staking ETH trên Frax có sự chênh lệch lớn với các đối thủ cạnh tranh. Tỷ lệ APR trung bình của sfrxETH là ~7,4%, trong khi của stETH (Lido) chỉ khoảng 5,7%.
Vậy tại sao Frax có thể cung cấp một tỉ lệ cao như vậy? Đây là mô hình mà sfrxETH hoạt động:
- Trước khi người dùng có thể tạo ra sfrxETH, họ phải gửi ETH vào giao thức và tạo ra frxETH (Frax ETH). Sau đó ETH được đội ngũ Frax nắm giữ và đem stake ở Beacon chain để kiếm lợi nhuận
- Từ đây, chủ sở hữu frxETH có hai lựa chọn:
Cách 1: Chủ sở hữu frxETH có thể bắt đầu tích lũy phần thưởng staking bằng cách gửi frxETH của họ vào một hợp đồng ERC-4626 và tạo ra sfrxETH (giống như việc lock frxETH lại)
Cách 2: Chủ sở hữu frxETH có thể gửi frxETH của họ vào một hợp đồng trên Curve để kiếm phần thưởng được trả bằng các token CRV, CVX và FXS.
Vì người dùng frxETH có hai lựa chọn để kiếm được phần thưởng, số lượng chủ sở hữu sfrxETH có thể ít hơn số lượng người tạo ra frxETH. Do đó, phần thưởng staking kiếm được bởi giao thức chia cho số lượng người dùng ít hơn, và chủ sở hữu sfrxETH có khả năng tích lũy phần thưởng với tỷ lệ cao hơn so với các nền tảng khác.
Ngoài ra, để giải quyết bài toán staking tập trung của nền tảng (giống như Lido). Frax Governance (frxGov) hiện đang được kiểm toán, nhằm giúp cho giao thức Frax trở nên hoàn toàn phi tập trung.
Các dự án ETH liquid staking derivatives mới
Stader Labs
Stader là một giao thức liquid staking cho nhiều token khác nhau như BNB, Matic, Near, FTM,… và dự kiến sẽ tích hợp cả ETH để nâng cao khả năng cạnh tranh trong làn sóng Ethereum liquid staking.
Trong thời gian sắp tới, Stader Labs sẽ ra mắt sản phẩm ETH liquid staking với nhiều pool được kiểm soát, cũng như pool tự do, và có khả năng tích hợp công nghệ DVT (khi công nghệ phát triển chín muồi). Người dùng sẽ được cấp ETHx, LST của giao thức khi stake ETH của mình.
Đối với pool tự do, bất kỳ ai cung cấp một khoản đặt cọc tối thiểu là 4 ETH đều có thể vận hành một validator cho pool (cũng giống như minipool của Rocket). Trong khi đó, đối với bộ validator của pool do Stader kiểm soát, sẽ được cộng đồng lựa chọn và không yêu cầu bất kỳ khoản đặt cọc nào từ nhà điều hành. Stader đề xuất một khoản phí 10% trên phần thưởng staking kiếm được bởi các validator, đồng thời đảm bảo sẽ xây dựng một hệ sinh thái DeFi xung quanh LST ETHx như một ưu thế cạnh tranh.
Stader Labs đã gọi vốn được 16,5 triệu đô với sự góp mặt của Pantera Captial, Coinbase Ventures, Jump Capital, Solana Foundation,…
Geode Finance
Geode Finance, tương tự như vault StakeWise V3, dự định cung cấp cơ sở hạ tầng cho phép tất cả mọi người tạo ra một staking pool công khai hoặc riêng tư với các tham số có thể tùy chỉnh. Mỗi vault được thiết kế để quản lý một cách tự chủ và sẽ phát hành LST của riêng nó (gọi là G-derivatives)
Điểm đặc biệt là G-derivatives có thể được định dạng là một ERC-20 token (token thông thường) hoặc một ERC-721 token (NFT).
Geode Finace đã gọi vốn được 3 triệu đô với sự góp mặt của Multicoin Captial, GSR, Eden Network, …
Diva Labs
Diva Labs dự định cung cấp một giao thức staking với một pool stake duy nhất, nơi người dùng có thể gửi ETH của họ để đổi lấy divETH. Điều này mặc dù tạo sự thuận tiện cho người dùng khi không cần lựa chọn pool stake, nhưng có thể tạo nên tính tập trung không cần thiết trên nền tảng.
Để khắc phục điều đó, và cũng là điểm khác biệt chính của Diva là bộ validator của nó sẽ chỉ bao gồm các validator chạy phần mềm DVT. Điều này có thể làm cho mỗi validator có tính đa dạng và phân tán. Tuy nhiên, bằng cách chỉ cung cấp một giải pháp dựa trên DVT, việc ra mắt mainnet của Diva có thể bị trì hoãn vì công nghệ này vẫn đang được phát triển. Diva đề xuất rằng các nhà điều hành validator phải đặt cọc tối thiểu 1 ETH để tham gia, tránh gây hại cho người dùng.
Diva Labs đã gọi vốn được 3,5 triệu đô với sự góp mặt của A&T Captial, Gnosis, OKX, …
—–> Xem thêm: Top 3 dự án DVT nổi bật
Tổng kết
Như vậy là qua bài viết này, các bạn đã có thể thấy được những sự thay đổi rõ rệt gần đây của các dự án LSD hàng đầu. Những bản cập nhật này sẽ đem lại không chỉ khả năng mở rộng mà còn tính phi tập trung và quyền tự trị, tự quản cho validator sử dụng nền tảng.
Mặc dù Ethereum Shanghai upgrade đã thành công, LSD vẫn sẽ tiếp tục phát triển như một phần không thể thay thế của DeFi. Sẽ càng ngày càng nhiều người sử dụng LSD và use case của các liquid staking token cũng sẽ dần được cải thiện, len lỏi vào nhiều giao thức quan trọng khác như AAVE, Maker DAO, Curve, Uniswap, …
Nếu bạn thích bài viết này hay còn những suy nghĩ nào khác về các bản cập nhật của những dự án LSD hàng đầu, hãy comment cho chúng mình biết nhé!