Tổng quan
Một trong những rào cản làm hạn chế quy mô ứng dụng của Bitcoin blockchain chính là khả năng mở rộng. Nếu quy mô được khai thác và mở rộng đúng cách mạng thì blockchain này có thể xử lý hàng triệu đến vài trăm triệu giao dịch mỗi giây. Đó cũng là lý do chính về việc ra đời của Lightning Network.
Vậy Lightning Network là gì? Hôm nay GFI sẽ mang đến cho chúng ta khái niệm về Lightning Network và cách mà nó hoạt động qua bài viết sau đây.
Lightning Network là gì?
Lightning Network là mạng chuỗi khối lớp 2 (layer 2) được thiết kế để thêm vào chuỗi khối Bitcoin, giúp việc thanh toán bitcoin trở nên nhanh hơn và rẻ hơn bằng cách cho phép các giao dịch ngoài chuỗi, tức là giao dịch giữa các bên không thuộc mạng chuỗi khối chính Bitcoin. Lớp thứ 2 này là tập hợp của nhiều kênh thanh toán giữa các bên hoặc người dùng Bitcoin.
Lightning Network được thiết kế để thực hiện các giao dịch Bitcoin nhanh và rẻ nhất có thể bằng cách giảm tải một số lưu lượng truy cập giao dịch sang chuỗi khối lớp 2, trong đó các bên có thể thực hiện hoặc nhận thanh toán từ nhau. Lớp hai tăng cường khả năng mở rộng của các ứng dụng chuỗi khối bằng cách quản lý các giao dịch bên ngoài mạng chính chuỗi khối, trong khi vẫn được hưởng các tính năng bảo mật, phi tập trung mạnh mẽ của mạng chính.
Lịch sử hình thành Lightning Network
Vào năm 2015, hai nhà nghiên cứu Thaddeus Dryja và Joseph Poon đã có một đề xuất trong một bài báo có tiêu đề “Mạng Bitcoin Lightning.” trên cơ sở dựa vào các cuộc thảo luận trước đó về các kênh thanh toán của Satoshi Nakamoto. Đề xuất mô tả một giao thức giao dịch được tạo thành từ các kênh thanh toán. Trong đó, hai bên có thể giao dịch mà không làm tắc nghẽn mạng chính vì các kênh tồn tại ngoài chuỗi.
Đến năm 2016, Thaddeus Dryja và Joseph Poon cùng một số thành viên khác thành lập công ty Lightning Labs chuyên phát triển Lightning Network để giao thức tương thích với mạng Bitcoin.
Một bước đệm vào năm 2017, sau đợt Hard Fork trên SegWit của Bitcoin, giải phóng không gian cho nhiều giao dịch hơn. Góp phần làm cho sức mạnh giao dịch của Lightning Network trở nên khả thi hơn.
Năm 2018 việc triển khai Lightning Network vào mạng chính Bitcoin cũng chính thức bắt đầu khi Lightning Labs cuối cùng đã tung ra phiên bản beta, ngay lập tức nhận được sự chấp nhận từ Jack Dorsey người sáng lập của Twitter.
Lightning Network hoạt động như thế nào?
Lightning Network sử dụng các hợp đồng thông minh (Smart contract) cho phép tạo các kênh thanh toán ngang hàng ngoài chuỗi giữa người dùng với nhau, Sau khi các kênh thanh toán này được thiết lập giao dịch sẽ được thực hiện nay lập tức với tốc độ cao và chi phí rẻ.
Để tạo kênh thanh toán, người mua sẽ khóa một lượng Bitcoin nhất định vào mạng. Sau khi được khóa, người nhận sẽ xác nhận hóa đơn khi họ thấy phù hợp. Bất cứ lúc nào, người dùng có thể đóng các kênh thanh toán của họ và xem lại số dư cuối cùng của họ trên chuỗi khối chính.
Với Lightning Network người dùng có thể chuyển tiền với nhau vô thời hạn mà không cần thông báo cho chuỗi khối chính, vì tất cả các giao dịch không cần phải được tất cả các nút chấp thuận, giúp tăng tốc độ giao dịch.
Sau khi giao dịch kết thúc và đóng kênh tất cả thông tin của kênh sau đó được hợp nhất thành một giao dịch và được gửi đến mạng chính Bitcoin để ghi lại. Nếu không có sự hợp nhất này nhiều giao dịch nhỏ sẽ cản trở các giao dịch lớn hơn, làm tắc nghẽn mạng.
Lightning Network tạo ra một hợp đồng thông minh giữa các bên, mã hóa các thỏa thuận vào hợp đồng và không thể bị phá vỡ. Khi các thỏa thuận đó được đáp ứng, hợp đồng sẽ tự động hoàn thành mà không cần sự tham gia của bên thứ ba, và các giao dịch sẽ được ẩn danh trên kênh thanh toán sau khi được xác thực.
Ví dụ: A đến quán rượu của B mua rượu và muốn thanh toán bằng Bitcoin, lúc này A sẽ tạo một kênh thanh toán với B qua Lightning Network, A sẽ khóa một lượng Bitcoin tương ứng với thỏa thuận, lúc này B sẽ kiểm tra xem A có trả đúng số lượng hay chưa và xác nhận giao dịch. Kết quả A có được rượu và B có số Bitcoin tương ứng. Giao dịch thực hiện hoàn toàn ngoài chuỗi chính Bitcoin sau đó tất cả các thông tin giao dịch sẽ được hợp lại và gửi đến mạng chính Bitcoin để ghi lại.
Ưu điểm của Lightning Network
Khả năng mở rộng: Lightning Network có khả năng thực hiện hàng triệu đến hàng tỷ giao dịch mỗi giây trên toàn mạng mà không cần người giám sát. Đây là một ưu điểm giúp cho khả năng mở rộng quy mô Bitcoin tăng lên.
Thanh toán tức thì: Với Lightning Network việc thanh toán trở nên nhanh chóng mà không phải lo lắng về thời gian xác nhận khối. Bảo mật được thực thi bởi các hợp đồng thông minh mà không cần tạo giao dịch trên chuỗi khối cho các khoản thanh toán riêng lẻ. Tốc độ thanh toán được đo bằng mili giây đến giây.
Chi phí thấp với tốc độ cao: Bằng cách giao dịch và giải quyết ngoài chuỗi khối, Lightning Network cho phép mức phí cực kỳ thấp, với nhiều các thanh toán đa dạng hơn. Nếu không có Lightning Network, người dùng sẽ phải trả chi phí cao hơn cho một giao dịch và sau đó phải đợi một khoảng thời gian để giao dịch đó được xác thực. Giao dịch càng nhỏ thì thời gian chờ đợi càng lâu, vì những người khai thác sẽ chọn xác thực các giao dịch lớn hơn để kiếm nhiều phần thưởng hơn.
Giao dịch chuỗi chéo: Các giao dịch hoán đổi xuyên chuỗi từ một loại tiền mã hóa này sang một loại tiền mã hóa khác có thể xảy ra ngay lập tức ngoài chuỗi với các quy tắc đồng thuận chuỗi khối không đồng nhất mà không cần bên thứ 3 hoặc sàn giao dịch.
Nhược điểm của Lightning Network
Không hỗ trợ ngoại tuyến: có thể xem là hạn chế lớn nhất của Lightning Network đối với người dùng Bitcoin. Nếu một người tham gia trong kênh thanh toán chọn đóng kênh đó trong khi người kia ngoại tuyến, thì có thể lấy cắp được tiền. Khi người thứ hai quay lại trạng thái trực tuyến, thì đã quá muộn để làm bất cứ điều gì.
Phải có một ví tương thích với Lightning Network để sử dụng. Tìm kiếm một chiếc ví hoạt động với Lightning Network rất dễ dàng, để sử dụng người dùng cần cung cấp tiền cho nó từ ví Bitcoin truyền thống. Giao dịch từ ví truyền thống sang ví Lightning Network sẽ bị tính phí, vì vậy người dùng sẽ mất một số Bitcoin để tương tác với giao thức. Nếu một trong hai người tham gia kênh thanh toán quyết định không giao dịch, họ phải chủ động đóng kênh và chấp nhận chi phí. Ngay cả việc đóng hoặc mở một kênh thanh toán cũng yêu cầu cả hai bên tham gia thực hiện một giao dịch ban đầu được gọi là phí định tuyến.
Mặc dù phí giao dịch thấp nhưng nó lại mang lại một vấn đề có thể được xem là tiêu cực đối với mạng Bitcoin. Khi Bitcoin được khai thác, phí giao dịch sẽ trở thành phần thưởng tài chính duy nhất dành cho những người khai thác giám sát chuỗi khối Bitcoin. Nếu phí giao dịch giảm đồng nghĩa phần thưởng người khai thác nhận được cũng giảm.
Ngoài ra, Lightning Network còn gặp phải các lỗi như thanh toán bị kẹt các giao dịch gửi đi không được xác minh. Mạng Bitcoin sẽ hoàn trả khoản thanh toán bị kẹt, nhưng có thể mất nhiều ngày để nhận được, vì các giao dịch hợp lệ được ưu tiên hơn các giao dịch bị kẹt.
Việc triển khai Lightning cũng không được nhiều sàn giao dịch quan tâm và có thể được xem như hạn chế hoặc chống lại kế hoạch kinh doanh đối với một số sàn giao dịch tiền mã hóa. Các bạn có thể tham khảo chi tiết tại bài viết này.
Hạn chế tiếp theo nếu Lightning Network giải quyết được tất cả các vấn đề của nó nhưng các cơ quan quản lý khó có thể chấp nhận vì họ có thể không cho phép Lightning Network do tính ẩn danh của nó.
Tổng kết
Việc ngày càng phát triển và mở rộng của Bitcoin cũng làm giảm tốc độ và tăng chi phí giao dịch. Lightning Network ra đời như một giải pháp tăng khả năng mở rộng của Bitcoin đồng thời cũng phát sinh nhiều hạn chế đi kèm, các bạn nghĩ thế nào qua bài viết này? Chúc các bạn ngày mới vui vẻ và hẹn gặp lại ở những bài viết sau.