Tổng quan
Việt Nam đứng đầu với điểm tuyệt đối là 1, còn vị trí thứ hai và thứ ba là Ấn Độ và Pakistan lần lượt đạt 0,37 điểm và 0,36 điểm. là kết quả của khảo sát công bố hồi tháng 8 của Chainalysis về Chỉ số chấp nhận tiền điện tử toàn cầu (GCAI) trên 154 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Một khảo sát khác của Finder với 42.000 người trên 27 quốc gia cũng cho thấy 41% người Việt được hỏi khẳng định đã mua tiền điện tử, 20% trong số đó mua Bitcoin. Đây là mức cao nhất trong tất cả quốc gia được khảo sát.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: “Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là cơ hội để Việt Nam phát triển“, Bộ trưởng đã có một bài phát biểu rất sâu sắc và đầy ý nghĩa tại Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng còn cho biết, các cuộc Cách Mạng Công Nghiệp, đặc biệt là cuộc Cách Mạng Công Nghiệp lần thứ 4 là dành cho các nước đang phát triển để trở thành nước phát triển. có thể xem thêm tại đây.
Tuy vậy, hiện tại vẫn không ít người chưa phân biệt rõ khái niệm tiền điện tử, tiền ảo, tiền mã hóa, dẫn đến nhiều cuộc tranh cãi, thậm chí có nhiều trường hợp bị lừa vì nhầm lẫn giữa các loại tiền.
Ông Trần Dinh, quản trị viên diễn đàn Phổ cập Blockchain kiêm CEO Alpha True, cho rằng một trong những lý do gây ra sự nhầm lẫn là sự phát triển quá nhanh của tiền điện tử. Thứ hai là việc chuyển ngữ từ tiếng Anh sang tiếng Việt chưa được nhất quán. “Một nguyên nhân khác khiến nhiều người gom tất cả tiền ‘phi truyền thống’ vào chung một loại ‘tiền ảo’ là do có nhiều dự án lừa đảo làm ảnh hưởng xấu đến toàn thị trường”
Hiểu đúng khái niệm, hiểu đúng bản chất sẽ giúp hạn chế các cuộc tranh cãi không cần thiết, cũng như nhận thức khách quan hơn về công nghệ blockchain và tiền điện tử. Từ đó, cũng tránh được các dự án núp bóng tiền mã hóa để lừa đảo.
Nếu chúng ta muốn dùng kiến thức định hướng cuộc sống, muốn tìm hiểu về các loại tiền “phi truyền thống”, mà không gom chung tất cả thành “tiền ảo”, không muốn bị lừa vì thiếu thông tin kiến thức, không muốn bỏ qua cơ hội lớn của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vô cùng tiềm năng như Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã từng chia sẻ.
Hãy cùng GFS Blockchain tìm hiểu qua các thông tin bên dưới:
Nhận diện các loại tiền tệ hiện nay
Tiền mã hóa (crypto currency) đang được tiếp cận dưới nhiều khía cạnh, nhiều hình thức khác nhau và cũng chưa có một thuật ngữ chung thống nhất, như tiền ảo (virtual currency), tài sản mã hóa (crypto assets)…
Tiền ảo là khái niệm được sử dụng nhiều tại Việt Nam. Tuy vậy, vào năm 2018, theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), loại “tài sản” này có tiềm năng kết hợp lợi ích của tiền tệ và hàng hóa, nên việc sử dụng từ “tiền” trong các thuật ngữ nêu trên có thể gây nhầm lẫn.
Trong khi đó, những đối tượng này được tạo lập trên cơ sở sử dụng công nghệ blockchain kết hợp kỹ thuật mã. Do đó, IMF khuyến nghị sử dụng thuật ngữ tài sản mã hóa cho loại “tài sản” này.
Sau đó, tại một văn kiện của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng chỉ ra quan điểm rằng, tiền ảo (virtual currencies) là một khái niệm về tài sản rộng hơn so với tài sản mã hóa. Bởi vậy, ở Nhật Bản, mặc dù thuật ngữ tiền ảo được đưa vào Luật Dịch vụ thanh toán trong lần sửa đổi vào tháng 4/2016 (có hiệu lực từ ngày 01/4/2017), nhưng trong lần sửa đổi tiếp theo vào tháng 5/2019 (có hiệu lực từ ngày 07/6/2020), thuật ngữ “tài sản mã hóa” đã được sử dụng để thay thế thuật ngữ “tiền ảo”.
Tiền ảo, theo Lực lượng đặc nhiệm về hoạt động tài chính (FATF), là một biểu hiện của giá trị dưới dạng số có thể có trong giao dịch kỹ thuật số và có các chức năng như:
- Một phương tiện trao đổi
- Một đơn vị kế toán
- Một hình thức lưu trữ giá trị nhưng không phải là tiền pháp định trong một quốc gia, vùng lãnh thổ nào; không được bất cứ một quốc gia, vùng lãnh thổ nào phát hành hoặc bảo đảm; các chức năng trên chỉ được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận trong cộng đồng người sử dụng của loại tiền ảo đó.
Tương tự như vậy, Chỉ thị số 2108/843 ngày 30/5/2018 của Liên minh châu Âu (EU) liên quan đến phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố đã chỉ ra tiền ảo có nghĩa là một đại diện kỹ thuật số của giá trị không được phát hành hoặc bảo đảm bởi một ngân hàng trung ương hoặc cơ quan nhà nước, không gắn với tiền pháp định hay mang giá trị pháp lý như tiền pháp định, nhưng được cá nhân hoặc pháp nhân chấp nhận như một phương tiện trao đổi và có thể được chuyển giao, lưu trữ và giao dịch điện tử.
Cũng theo Tổ chức quốc tế về tiêu chuẩn hóa (ISO), tiền ảo là loại tài sản ảo có tính chất tiền tệ, tức là có thể được sử dụng làm phương tiện trao đổi hay một tài sản có giá trị trong một môi trường cụ thể như trò chơi điện tử hay trong một trò chơi mô phỏng giao dịch tài chính.
Có thể thấy, những khái niệm tiền ảo trên đang còn rất rộng, có thể bao gồm cả những vật phẩm trong các game trực tuyến (game online), điểm thưởng của chương trình khách hàng thân thiết (như chương trình tích điểm VinMart…). Đây chỉ là các tài sản được hình thành trên môi trường kỹ thuật số thông thường hoặc cơ bản đã được điều chỉnh bởi pháp luật hiện hành (hoặc hợp đồng giữa nhà phát hành hoặc người sở hữu).
Trong khi đó, tài sản mã hóa được tạo dựng trên cơ sở nền tảng ứng dụng công nghệ blockchain và kỹ thuật mã hóa trong một hệ thống máy tính, đang thu hút được sự quan tâm nghiên cứu, đầu tư, kinh doanh của nhiều tổ chức, cá nhân do những kỳ vọng về ưu điểm vượt trội mà công nghệ blockchain đem lại.
Về tài sản mã hóa, theo Ngân hàng Trung ương châu Âu, đây là thuật ngữ dùng để chỉ bất kỳ tài sản nào được ghi nhận ở hình thức kỹ thuật số. Nó không phải và không đại diện cho bất kỳ yêu cầu tài chính nào hay nghĩa vụ tài chính của một cá nhân hay pháp nhân nào. Nó cũng không hàm chứa quyền đối với tài sản.
Tuy nhiên, tài sản mã hóa được người sử dụng xem là có giá trị (là tài sản) với tư cách là một khoản đầu tư vào/hoặc phương tiện trao đổi. Việc kiểm soát hoạt động cung ứng tài sản mã hóa và thỏa thuận về việc chuyển giao tài sản mã hóa không được thực hiện bởi một bên trung gian nào mà được thực hiện bởi việc sử dụng kỹ thuật mật mã.
Tài sản mã hóa đã được kích hoạt bởi công nghệ sổ cái phân tán (DLT). Công nghệ này cho phép việc cung cấp tài sản mã hóa được kiểm soát và giới hạn bằng cách cho phép người dùng kiểm tra các liên kết mật mã chứng nhận tính nhất quán của các bản cập nhật thông tin theo thời gian và bảo đảm rằng không có sự tạo ra tài sản mã hóa không chính đáng.
Thêm vào đó, theo Tổ chức quốc tế của các ủy ban chứng khoán (IOSC), tài sản mã hóa, với giá trị nội tại hay giá trị được đánh giá, là một loại tài sản tư nhân, sử dụng công nghệ DLT hay tương tự và kỹ thuật mã hóa. Tài sản mã hóa có thể đại diện cho một tài sản hay quyền sở hữu một tài sản, như: tiền, hàng hóa, chứng khoán hoặc một loại phái sinh (derivative) của hàng hóa hay chứng khoán.
Dựa trên thực tế sử dụng và bản chất kinh tế liên quan, tài sản mã hóa hiện nay được nhiều chuyên gia, tổ chức và thậm chí cơ quan quản lý nhà nước phân thành ba nhóm chính:
- Thứ nhất, tài sản mã hóa tương tự chứng khoán (security token), là một loại tài sản mã hóa có các đặc trưng của chứng khoán theo pháp luật chứng khoán của quốc gia, là bằng chứng xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với tài sản hoặc phần vốn (tương tự trái phiếu hay cổ phiếu) của người phát hành ra tài sản mã hóa đó. Nói cách khác, nếu tài sản mã hóa, thông thường được bán cho người mua qua hình thức phát hành ra công chúng, là một khoản đầu tư của người mua vào doanh nghiệp phát hành thì đó là (tương tự là) chứng khoán.
- Thứ hai, tài sản mã hóa tương tự phương tiện trao đổi, thanh toán (exchange/payment token), còn có thể được gọi là tiền mã hóa, là một loại tài sản mã hóa được tin tưởng và có thể được sử dụng tương tự như một phương tiện trao đổi, thanh toán trong một cộng đồng nhất định mà không cần qua trung gian tập trung. Bitcoin là một ví dụ điển hình.
- Thứ ba, tài sản mã hóa là phương tiện để tiếp cận và sử dụng một dịch vụ nhất định trong một hệ sinh thái được phát triển trên nền tảng công nghệ blockchain, còn gọi là token (mã) mã tiện ích (utility token) hay xu (mã) tiếp cận (access token). Nếu thuộc trường hợp này, tài sản mã hóa được coi như một loại tài sản truyền thống thông thường.
Như vậy, tiền mã hóa (như Bitcoin, Ethereum, Litecoin, XRP…) là một dạng của tài sản mã hóa. Về cơ bản, có thể hiểu, tiền mã hóa là:
- Biểu hiện của giá trị dưới dạng số (vô hình);
- Không được quốc gia hay ngân hàng trung ương nào bảo đảm;
- Được tạo ra trên cơ sở sử dụng công nghệ blockchain hay DLT kết hợp kỹ thuật mã hóa nhằm tạo lập và xác thực giao dịch một cách minh bạch, bảo mật, đáng tin cậy;
- Là một dạng tài sản mã hóa phi chứng khoán, có chức năng tương tự phương tiện trao đổi, thanh toán;
- Được tin tưởng và có thể được sử dụng trong một cộng đồng nhất định mà không cần qua trung gian tập trung.
Phân biệt tiền điện tử với tiền ảo và tiền kỹ thuật số
Tiền điện tử (Electronic money/E-money)
Các khái niệm về tiền điện tử (electronic money/e-money) hiện nay trên thế giới thường được hiểu ở phạm vi khá rộng. Ví dụ:
Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) mô tả tiền điện tử là giá trị tiền tệ được lưu trữ trên một thiết bị điện tử được sử dụng phổ biến để thực hiện giao dịch thanh toán cho các tổ chức khác không phải là tổ chức phát hành.
Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) định nghĩa tiền điện tử là giá trị được lưu trữ hoặc sản phẩm trả trước, trong đó thông tin về khoản tiền hoặc giá trị khả dụng của khách hàng được lưu trữ trên một thiết bị điện tử thuộc sở hữu của khách hàng.
Các định nghĩa này hơi phức tạp, có thể gây ra nhầm lẫn về nội hàm của tiền điện tử, khó phân biệt với tiền ảo, tiền kỹ thuật số và thậm chí là cả tiền di động (mobile money).
Trong thực tế, tiền điện tử đã được xác định và phân biệt rõ ràng với các loại tiền khác thông qua 4 đặc điểm chính:
- Trước hết, tiền điện tử phải là tiền pháp định (legal tender). Theo đó, tiền điện tử có đầy đủ 3 chức năng của tiền là dự trữ (store value), trao đổi (medium of exchange) và hạch toán (unit of account). Đồng thời, tiền điện tử cũng luôn được thể hiện dưới dạng giá trị của tiền pháp định của một quốc gia (thí dụ VND, USD, SGD…). Bên cạnh đó, tiền điện tử cũng được Ngân hàng Trung ương (NHTW) bảo đảm.
- Thứ hai, tiền điện tử có thể do ngân hàng phát hành hoặc cũng có thể do tổ chức phi ngân hàng phát hành. Do đó, để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, các quốc gia luôn có quy định rất chặt chẽ đối với các tổ chức phát hành tiền điện tử. Đối với các ngân hàng, NHTW có hệ thống các quy định chặt chẽ về an toàn hoạt động, quản trị rủi ro, tỷ lệ dữ trữ bắt buộc, bảo hiểm tiền gửi… Đối với các tổ chức phi ngân hàng, NHTW có các quy định về cấp phép, về giám sát… và thông thường phải thực hiện ký quỹ tại hệ thống ngân hàng (tương ứng với số tiền phát hành với một tỷ lệ nhất định).
- Thứ ba, tiền điện tử có cơ chế đảm bảo tiền tệ (monetary regimes) của NHTW. Theo đó, tiền điện tử do các ngân hàng phát hành sẽ được đảm bảo bằng tỷ lệ dữ trữ bắt buộc tại NHTW, còn tiền điện tử do các tổ chức phi ngân hàng phát hành sẽ được đảm bảo bằng cơ chế ký quỹ tại hệ thống ngân hàng (với một tỷ lệ ký quỹ nhất định). Thông thường, tỷ lệ ký quỹ này sẽ cao hơn nhiều so với tỷ lệ dự trữ bắt buộc do các quy định an toàn áp dụng đối với các tổ chức này thấp hơn nhiều so với ngân hàng. Tỷ lệ ký quỹ tại một số quốc gia theo cách tiếp cận thận trọng ở mức 100%. Đây cũng là điểm khác biệt mấu chốt giữa tiền ngân hàng (bank notes) với tiền điện tử (e-money).
- Thứ tư, tiền điện tử chỉ được lưu trữ trong các sản phẩm điện tử gồm 2 loại:
- phần cứng (hard-ware based products) như thẻ chíp, điện thoại thông minh gắn chíp
- dữ liệu dựa trên phần mềm (soft-ware based) như ví điện tử Paypal.
Tiền ảo (virtual currency)
Đối với tiền ảo (virtual currency), ECB định nghĩa như sau: “Đồng tiền ảo là một loại tiền kỹ thuật số không chịu sự quản lý, được phát hành bởi những người phát triển phần mềm (developers) thường đồng thời là người kiểm soát hệ thống; được sử dụng và chấp nhận thanh toán giữa các thành viên của một cộng đồng ảo nhất định”. Ví dụ, tiền ảo Pokecoins trong trò chơi Pokemon GO hoặc khoản tiền Facebook được sử dụng cho quảng cáo hay các trò chơi trên app Facebook…
Theo đó, có thể thấy tiền ảo và tiền điện tử rất khác nhau. Tiền ảo không phải là tiền pháp định nên không gắn với quyền mặc định được chuyển đổi sang tiền pháp định và được NHTW đảm bảo. Các tổ chức phát hành tiền ảo cũng không chịu sự quản lý, giám sát chặt chẽ của NHTW. Đồng thời, phạm vi hoạt động của tiền ảo thường khá hẹp chỉ trong phạm một cộng đồng và sử dụng cho mục đích nhất định (thí dụ, game online).
Nói cách khác, tiền ảo mang nhiều đặc điểm của hàng hóa trao đổi hơn là một đồng tiền. Mặc dù vậy, hiện nay tiền ảo đang từng bước phát triển với loại tiền ảo có thể quy đổi (convertible virtual currency) nhưng chỉ gắn trách nhiệm của tổ chức phát hành mà không gắn với trách nhiệm của NHTW và phạm vi hoạt động cũng chỉ ở phạm vi một cộng đồng như nêu trên.
Tiền kỹ thuật số hay tiền mã hóa (cryptocurrency)
Còn tiền kỹ thuật số hay tiền mã hóa (cryptocurrency): được tạo ra bởi các thuật toán mã hóa phức tạp, được giao dịch, trao đổi hoàn toàn trên môi trường Internet và hiện nay chưa chịu sự quản lý của bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào (trừ khi được NHTW trực tiếp phát hành).
Thí dụ điển hình của tiền kỹ thuật số là Bitcoin, Ethereum… Có thể xác định gốc của tiền mã hóa là tiền ảo nhưng đang phát triển để có nhiều đặc điểm của tiền điện tử như khả năng chuyển đổi thành tiền pháp định, khả năng thanh toán, còn khả năng tích trữ giá trị thì ít hơn (do luôn biến động nhiều)… Mặc dù vậy, tiền kỹ thuật số vẫn còn khoảng cách rất xa để trở thành tiền điện tử với lý do quan trọng nhất là sự công nhận của NHTW các quốc gia. Khi NHTW các quốc gia không thừa nhận, đồng tiền kỹ thuật số sẽ không được đảm bảo và không có khả năng quy đổi ở phạm vi rộng như tiền điện tử. Hiện nay tiền kỹ thuật số đang được phát triển theo hướng khai thác những lợi thế, ưu điểm của công nghệ chuỗi khối – blockchain (như chi phí giao dịch thấp, độ an toàn bảo mật cao, tiện lợi, nhanh chóng…) hơn là theo hướng sử dụng đồng tiền kỹ thuật số như 1 đồng tiền thực sự.
Tiền di động (mobile money)
Một loại tiền khác cũng thường bị hiểu nhầm đó là tiền di động (mobile money), cho rằng tiền di động và tiền điện tử khác nhau. Tuy nhiên, theo định nghĩa của Hiệp hội thông tin di động toàn cầu (GSMA), Mobile money có thể được hiểu ngắn gọn là tiếp cận dịch vụ tài chính qua điện thoại di động.
Định nghĩa này rộng và bao hàm đầy đủ ý nghĩa của dịch vụ này, nhất là từ góc độ người tiêu dùng. Theo đó, với bản chất là tiền pháp định, tiền di động có thể hiểu là một dạng thức tiền điện tử do tổ chức (thường là nhà mạng) cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phát hành và định danh khách hàng thông qua cơ sở dữ liệu thuê bao di động. Dạng thức này chính là ví điện tử trên thuê bao di động, không cần liên kết với tài khoản ngân hàng. Công ty Tài chính quốc tế (IFC) cũng cho rằng, mobile money là một dạng tiền điện tử, trong đó các giao dịch thanh toán và tài chính được thực hiện trên điện thoại di động, có thể trực tiếp hoặc không trực tiếp gắn với tài khoản ngân hàng.
Pháp luật Việt Nam về tiền mã hóa
Theo Th.s Lê Hồng Thái – Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp. chia sẻ:
Tiền mã hóa đang đặt ra nhiều câu hỏi cho pháp luật Việt Nam bởi ba vấn đề:
- Tiền mã hóa có thể được “sở hữu” và người “nắm giữ” tiền mã hóa có thể bảo vệ quyền “sở hữu” nhờ các cơ chế công nghệ tương tự như tài sản[16]. Như vậy, tiền mã hóa có nên được coi là tài sản?
- Tiền mã hóa có nên được công nhận là hàng hóa, dịch vụ hay không? Khi mà trên thực tế, nó đang được trao đổi, mua bán, lưu thông tương tự hàng hóa hoặc được sử dụng như một dạng dịch vụ.
- Tiền mã hóa có thể trở thành phương tiện thanh toán trong một cộng đồng nhất định. Vậy tiền mã hóa có thể là phương tiện thanh toán hay không?
*** Xem thêm thông tin chi tiết tại đây
Dưới góc độ là tài sản
Theo Th.s Lê Hồng Thái – Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp. chia sẻ:
Theo quy định của Điều 105 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015, tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Do đó, tiền mã hóa có được coi là tài sản theo pháp luật dân sự Việt Nam hay không cần đánh giá thông qua bốn loại tài sản trên:
- Thứ nhất, đối với tài sản là vật: Theo quy định của BLDS năm 2015, “vật” là những bộ phận hữu hình của thế giới vật chất theo nghĩa rộng bao gồm cả vật vô cơ, hay hữu cơ, động vật hay thực vật. Khái niệm vật trong pháp luật dân sự rộng hơn khái niệm vật trong cách hiểu đời sống thực tế. Vật bao hàm không những các vật dụng sinh hoạt, tiêu dùng, sản xuất bình thường, mà còn bao gồm cả các tập hợp vật chất phức tạp như nhà máy, công xưởng, tuyến giao thông đường sắt, sân bay, giàn khoan dầu, hệ thống công trình xây dựng… Trong khi đó, tiền mã hóa là vô hình; bởi vậy, không phải là “vật”.
- Thứ hai, đối với tài sản là tiền: Măc dù theo quy định của BLDS năm 2015, tiền là một loại tài sản, nhưng pháp luật hiện hành của nước ta không định nghĩa cụ thể thế nào tiền. Trên thực tế, ở Việt Nam hay ở các quốc gia khác trên thế giới, tiền pháp định có thể tồn tại dưới dạng tiền giấy, tiền kim loại. Ngoài ra, theo quy định của Điều 4 Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 80/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 về thanh toán không dùng tiền mặt, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng phương tiện thanh toán bao gồm: séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (như thanh toán qua ví điện tử). Như vậy, theo quy định của pháp luật Việt Nam, tiền mã hóa không phải là tiền pháp định hay phương tiện thanh toán.
- Thứ ba, đối với tài sản là giấy tờ có giá: Giấy tờ có giá là một hình thức pháp lý thể hiện giá trị, mang nội dung khẳng định quyền tài sản của một người (người nắm giữ giấy tờ có giá) đối với chủ thể khác (chủ thể phát hành giấy tờ có giá), được pháp luật công nhận là một loại tài sản. Tiền mã hóa không có chức năng giống tài sản mã hóa tương tự chứng khoán. Do đó, theo pháp luật Việt Nam, tiền mã hóa sẽ không là giấy tờ có giá.
- Thứ tư, đối với tài sản là quyền tài sản: Điều 115 BLDS năm 2015 quy định: “Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác”. Trong đó, quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất hay quyền đòi nợ đều giá trị được bằng tiền và được pháp luật Việt Nam thừa nhận là một dạng tài sản. Ngoài ra, việc BLDS năm 2015 quy định mở về “các quyền tài sản khác” nhằm bao quát các trường hợp chưa dự liệu được ngay tại thời điểm ban hành, cũng như tạo điều kiện linh hoạt hơn cho pháp luật chuyên ngành có thể quy định cụ thể về các quyền tài sản mới phát sinh trong tương lai. Ở khía cạnh này, tiền mã hóa cũng tương tự như quyền tài sản với đặc điểm vô hình có thể trị giá được bằng tiền, được xác lập, chuyển giao quyền sở hữu. Mặt khác, theo pháp luật dân sự Việt Nam, nếu coi tiền mã hóa mang tính đại diện cho quyền “nắm giữ” tiền mã hóa thì tiền mã hóa có thể được coi là quyền tài sản.
Cuối cùng, với thực tế là tiền mã hóa có thể được tạo ra, chiếm hữu, sử dụng và chuyển nhượng cho người khác, thì việc xác lập quyền và thực hiện các giao dịch liên quan đến tiền mã hóa cũng có thể làm phát sinh các quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý cho các chủ thể tham gia giao dịch theo quy định của pháp luật dân sự Việt Nam. Hay nói cách khác, theo pháp luật dân sự Việt Nam, tuy chưa được công nhận là một loại tài sản nhưng tiền mã hóa có thể trở thành khách thể của quyền dân sự. Bởi vậy, tiền mã hóa nên được coi là tài sản – tài sản “đặc biệt” phi truyền thống hoặc quyền tài sản – và cần cho phép giao dịch có kiểm soát đối với tài sản này, miễn là tài sản đặc biệt này được cộng đồng hay hệ sinh thái chấp nhận sử dụng, trao đổi.
Xem thêm thông tin chi tiết tại đây
Dưới góc độ là hàng hóa, dịch vụ
Theo Th.s Lê Hồng Thái – Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp. chia sẻ:
- Dưới góc độ là hàng hóa
Dưới góc độ là hàng hóa, theo quy định của Luật Thương mại (TM) năm 2005, khi tiền mã hóa (không phải là phương tiện thanh toán) là khách thể của quyền dân sự, được giao dịch thì có thể được xem là hàng hóa. Hàng hóa đưa vào lưu thông giao dịch trước hết cần được ghi nhận là một loại tài sản (động sản hoặc bất động sản).
Theo quy định của Điều 107 BLDS năm 2015, bất động sản bao gồm: đất đai; nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai; tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng; tài sản khác theo quy định của pháp luật; và động sản là những tài sản không phải là bất động sản. Việc xác định tiền mã hóa là một loại tài sản như phân tích ở phần trên là cơ sở để ghi nhận tiền mã hóa là hàng hóa trong pháp luật Thương Mại. Việc ghi nhận tiền mã hóa là một loại hàng hóa là cơ sở để có thể xem xét áp dụng các loại thuế và xác định mức thuế phù hợp.
- Dưới góc độ là dịch vụ
Dưới góc độ là dịch vụ, Luật Thương Mại năm 2005 không định nghĩa về dịch vụ, nhưng khoản 9 Điều 3 quy định, cung ứng dịch vụ là hoạt động thương mại, theo đó một bên có nghĩa vụ thực hiện dịch vụ cho một bên khác và nhận thanh toán; bên sử dụng dịch vụ (khách hàng) có nghĩa vụ thanh toán cho bên cung ứng dịch vụ và sử dụng dịch vụ theo thỏa thuận.
Điều 513 và Điều 514 BLDS năm 2015 quy định: “Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ” và đối tượng của hợp đồng dịch vụ là “công việc có thể thực hiện được, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội”. Do đó, dịch vụ được hiểu là một dạng “công việc” mà một bên cung ứng cho bên kia. Đối chiếu với các quy định này thì tiền mã hóa chưa rõ ràng là dịch vụ.
Xem thêm thông tin chi tiết tại đây
Dưới góc độ phương tiện thanh toán, ngoại hối
Theo Th.s Lê Hồng Thái – Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp. chia sẻ:
- Dưới góc độ phương tiện thanh toán
Dưới góc độ phương tiện thanh toán, tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành là phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, ngoài tiền giấy và tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành còn có các phương tiện thanh toán khác được sử dụng.
Khoản 6 Điều 4 Nghị định số 101/2012/NĐ-CP quy định phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán bao gồm: séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, như dịch vụ ví điện tử.
Theo khoản 8 Điều 4 Nghị định số 101/2012/NĐ-CP, dịch vụ ví điện tử là dịch vụ cung cấp cho khách hàng một tài khoản điện tử định danh do các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tạo lập trên vật mang tin (như chip điện tử, sim điện thoại di động, máy tính…), cho phép lưu giữ một giá trị tiền tệ được đảm bảo bằng giá trị tiền gửi tương đương với số tiền được chuyển từ tài khoản thanh toán của khách hàng tại ngân hàng vào tài khoản đảm bảo thanh toán của tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử theo tỷ lệ 1:1. Tiền trên ví điện tử thực chất là tiền điện tử (không phải là tài sản mã hóa, tiền mã hóa hay tiền ảo) và có thể được sử dụng để thanh toán.
Đồng thời, khoản 7 Điều 4 Nghị định số 101/2012/NĐ-CP cũng quy định: “Phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện thanh toán không thuộc quy định tại khoản 6 Điều này”. Từ cuối năm 2014 đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã nhiều lần khẳng định tiền ảo như Bitcoin (tiền mã hóa) không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam và việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tư khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam.
Như vậy, theo pháp luật Việt Nam hiện nay, tiền mã hóa không phải là phương tiện thanh toán. Việc sử dụng tiền mã hóa làm phương tiện thanh toán là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị xử lý hành chính.
- Dưới góc độ ngoại hối
Dưới góc độ ngoại hối, căn cứ điểm a khoản 2 Điều 6 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 và điểm a khoản 1 Điều 4 Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2013), ngoại hối bao gồm:
- Đồng tiền của quốc gia khác hoặc đồng tiền chung châu Âu và đồng tiền chung khác được sử dụng trong thanh toán quốc tế và khu vực (sau đây gọi là ngoại tệ)
- Phương tiện thanh toán bằng ngoại tệ gồm séc, thẻ thanh toán, hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ và các phương tiện thanh toán khác
- Các loại giấy tờ có giá bằng ngoại tệ gồm trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công ty, kỳ phiếu, cổ phiếu và các loại giấy tờ có giá khác
- Vàng thuộc Dự trữ ngoại hối nhà nước, trên tài khoản ở nước ngoài của người cư trú; vàng dưới dạng khối, thỏi, hạt, miếng trong trường hợp mang vào và mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam
- Đồng tiền của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong trường hợp chuyển vào và chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc được sử dụng trong thanh toán quốc tế.
Như vậy, tiền mã hóa không phải là ngoại hối, cụ thể hơn là ngoại tệ. Tuy nhiên, theo pháp luật Việt Nam, với trường hợp một quốc gia phát hành và xác định tiền mã hóa là tiền pháp định của quốc gia đó thì tiền mã hóa là ngoại tệ. Và các giao dịch liên quan đến tiền mã hóa đó trên lãnh thổ Việt Nam với tư cách là tiền pháp định của một quốc gia khác sẽ phải tuân thủ các quy định của Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2013.
*** Xem thêm thông tin chi tiết tại đây
Kết luận
Khi có thêm đầy đủ thông tin dữ liệu chúng ta sẽ có cái nhìn khách quan về tiền mã hoá, tiền điện tử, tiền ảo, và chúng ta sẽ định vị được chính mình trên thị trường để nắm bắt cùng xu thế của xã hội trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, ở bài viết này chúng ta được tìm hiểu thêm các thông tin về tiền mã hoá, tiền điện tử, tiền ảo với góc nhìn của kinh doanh truyền thống,tài chính, pháp luật… được báo giới đưa tin.
Trên đây là những thông tin chính về “Tiền ảo, tiền điện tử, tiền mã hoá…“, nếu bạn muốn trao đổi nhiều hơn thì hãy tham gia vào cộng đồng của GFS Blockchain cùng các thành viên khác nhé:
- Nhóm Telegram của GFS Blockchain -> Click tại đây
- Nhóm Facebook của GFS Blockchain -> Click tại đây
- Kênh thông tin Telegram của GFS Blockchain -> Click tại đây
- Kênh Twitter của GFS Blockchain –> Click tại đây
Hy vọng bài viết sẽ giúp mọi người có thêm thông tin, dữ liệu, góc nhìn mới. Và đừng quên theo dõi thường xuyên các bài viết chia sẻ thông tin và kiến thức trên website GFS Blockchain hàng ngày.